Sai lầm trong kinh doanh: Biết để tránh!
Trải qua một thời gian dài, người ta đã thống kê được khoảng 20 sai lầm trong kinh doanh mà các doanh nghiệp, cá nhân có khả năng phải đối mặt.
Từ lúc khởi nghiệp kinh doanh cho đến khi thành công hoặc tệ hơn là thất bại, bạn đã từng gặp phải những sai lầm nào? Với những sai lầm đó bạn có biết cách khắc phục không hay buông xuôi đầu hàng? Trải qua một thời gian dài, người ta đã thống kê được khoảng 20 sai lầm trong kinh doanhmà các doanh nghiệp, cá nhân có khả năng phải đối mặt.
1. Quá phụ thuộc vào một hoặc hai khách hàng
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhiều bạn hàng và đối tác để giảm thiểu sự lệ thuộc vào một số ít những bạn hàng lớn.
2. Có nhiều hơn hai người chịu trách nhiệm điều hành chính
Sai lầm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là thường có 2 hoặc 3 người cùng góp vốn kinh doanh và cùng điều hành công ty, không có sự phân chia quyền lực và trách nhiệm rõ ràng, mọi việc được quyết định trên nguyên tắc đồng thuận. Nhược điểm của cách tổ chức này là: công ty không có người lãnh đạo duy nhất và cũng là người chịu trách nhiệm sau cùng về mọi vấn đề, do đó mọi quyết định đưa ra không có hiệu quả, nếu không nói đến những bất đồng nảy sinh từ những người đống sở hữu và điều hành công ty. Vì thế, các doanh nghiệp nhỏ cần lựa chọn một người duy nhất có trách nhiệm điều hành chung cho cả công ty đồng thời chịu trách nhiệm chung về hoạt động của công ty. Người tổng giám đốc phải là người có cổ phần lớn nhất và hưởng mức lương cao nhất.
3. Chi phí xoắn ốc
Khi quyết định mở rộng công việc kinh doanh hay đơn giản chỉ là thay đổi trụ sở công ty hoặc thuê thêm nhân viên, hãy xem xét và lên kế hoạch kỹ càng, bởi vì khi đó chi phí sẽ tăng lên và điểm hòa vốn của bạn cũng sẽ đi lên, đồng nghĩa với việc phải bán được nhiều sản phẩm hơn để có thể hoà vốn.
4. Phung phí quá mức
Không nên phung phí quá mức ngay cả khi công ty đang trong giai đoạn làm ăn phát đạt. Ví dụ như nếu bạn tăng lương hoặc thưởng cho nhân viên một cách không cần thiết, bạn sẽ làm giảm tinh thần hăng say làm việc và sự sáng tạo của nhân viên.
5. Định giá quá thấp cho sản phẩm
Nếu doanh nghiệp định giá sản phẩm quá thấp hơn giá của đối thủ cạnh tranh thì sẽ gặp rắc rối về mặt luật pháp bởi bạn sẽ bị buộc tội làm xáo trộn thị trường và cạnh tranh không lành mạnh. Hơn nữa, bán sản phẩm với giá quá thấp sẽ làm mất đi lòng tin tưởng của khách hàng về mặt chất lượng.
6. Không huy động đủ vốn ban đầu để tiến hành kinh doanh
Cho dù bạn có rót thêm các nguồn vốn vay bên ngoài vào thì doanh thu và lãi ròng vẫn không thể được như bạn mong đợi. Đừng bao giờ thành lập doanh nghiệp khi bạn không thể huy động đủ số vốn bạn cần.
7. Không sẵn sàng chịu thừa nhận sai lầm
Các chủ doanh nghiệp nhỏ khi gặp thất bại thường đổ lỗi cho nhiều thứ khác nhau. Hãy luôn chấp nhận rủi ro và sai lầm. Mỗi sai lầm trải qua sẽ đem đến cho bạn nhiều kinh nghiệm và bài học quý giá.
8. Tự bằng lòng với sự phát triển của công ty
Khi công ty của bạn đã bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, đừng bao giờ tự thỏa mãn mà lơ đễnh mọi chuyện, nếu không bạn sẽ dễ dàng bị phá sản. Các sai lầm có thể xảy ra khi công ty đang ở vào thời kỳ đỉnh cao là: thiếu vốn, đội ngũ nhân lực yếu kém và có nhiều kẻ trục lợi, dịch vụ chăm sóc khách hàng bị sao nhãng…. Vì thế, bạn phải luôn để mắt tới hoạt động của công ty.
9. Không dự được giai đoạn suy thoái của công ty
Có ba nhân tố rất quan trọng quyết định tới nhu cầu về vốn của công ty là thời gian phát triển sản phầm, doanh thu và lãi ròng. Hầu hết các nhà doanh nghiệp đều tỏ ra quá lạc quan về cả ba nhân tố trên. Hãy chú ý dự đoán thời kỳ suy thoái của công ty. Để tránh sai lầm trong việc dự đoán, hãy lập các kế hoạch chi tiết cho các hoạt động của công ty.
10. Không theo sát tình hình thực tế của nền kinh tế
Nhiều nhà doanh nghiệp khi gặp thất bại thường đổ lỗi cho việc không có đủ vốn. Tuy nhiên, sự lạc quan quá mức mới là nguyên nhân chính. Đừng bao giờ dự đoán mức lợi nhuận ròng 30% trong khi xét trên tình hình thực tế của nền kinh tế, mức lợi nhuận 10% đã được coi là thành công.
11. Trang bị đồ đạc xịn ngay từ khi mới thành lập
Nếu ngay từ khi mới bắt tay vào kinh doanh, công ty của bạn đã được đặt ở những trụ sở có mức giá thuê đắt đỏ, được trang bị đồ đạc chất lượng cao, trả lương cho nhân viên hậu hĩnh và có chi phí hành chính cao ngất ngưởng thì khả năng thất bại của công ty đã khá rõ ràng.
12. Không tìm được lý do thuyết phục khách hàng chuyển sang tiêu dùng sản phẩm của công ty
Để thuyết phục được khách hàng từ bỏ thói quen cũ để tiêu dùng sản phẩm của công ty, bạn phải đưa ra được đặc điểm nổi trội của sản phẩm so với những hãng khác.
13. Đa dạng hoá kinh doanh trong những lĩnh vực chưa thật sự nắm rõ
Có rất nhiều lý do khiến các doanh nghiệp làm như vậy: sự thất bại khi mới đầu tư vào một lĩnh vực, sự ảo tưởng về cơ hội kiếm tiền dẽ dàng hơn, v.v…. Nếu bạn chưa biết thông tin gì về thị trường và môi trường cạnh tranh ở đó thì bạn sẽ gặp rắc rối lớn nếu cứ tiếp tục đầu tư.
14. Khảo sát thị trường chưa kỹ lưỡng
Trước khi bắt tay vào kinh doanh, doanh nghiệp nhất thiết phải khảo sát thị trường kỹ lưỡng để xác định được nhu cầu khách hàng và từ đó sản xuất ra sản phẩm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đó.
Nghiên cứu thị trường cũng giúp doanh nghiệp tìm được thị trường mục tiêu và khách hàng tiềm năng để có thể định ra các chiến lược marketing cho phù hợp.
15. Những vụ kiện cáo theo cảm tính
Các vụ kiện tụng của các doanh nghiệp nhỏ thường không có sự công bằng, chi phí kiện tụng thì đắt đỏ lại căng thẳng và thường kết thúc với việc các bên đành từ bỏ ý định kiện cáo ban đầu của mình. Lời khuyên cho các doanh nghiệp nhỏ là hãy cố gắng giải quyết mọi chuyện bằng hoà giải và thương lượng. Trong trường hợp nhất thiết phải đưa ra toà, hãy xin lời khuyên của các bậc tiền bối đi trước.
16. Sản phẩm không sẵn sàng cho nhu cầu thị trường
Đừng bao giờ chờ cho đến khi sản phẩm đã hoàn thiện và hoàn hảo mới tung ra thị trường. Khi sản phẩm đã tương đối hoàn thiện và có thể trở thành sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng, hãy chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để lăng xê và bán hàng.
17. Ham gia nhập vào các ngành công nghiệp có rào cản gia nhập thấp
Khi một khu vực thị trường hoặc một ngành có rào cản gia nhập thấp mà ai cũng có thể gia nhập được thì khả năng thất bại cho những kẻ đến sau là rất cao. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên nhớ rằng tham gia vào thị trường hoặc lĩnh vực đó chẳng khác gì “trâu chậm uống nước đục” và chẳng mấy chốc lượng cung sẽ lớn hơn lượng cầu rất nhiều.
18. Khách hàng không thể dễ dàng tính toán được số tiền họ sẽ tiết kiệm được nếu mua sản phẩm của công ty
Thông thường có hai cách nêu ra đặc tính nổi trội về giá cả của sản phẩm là: Chỉ ra sản phẩm của công ty bạn rẻ hơn một số tiền nhất định so với các sản phẩm khác. Chỉ ra những ích lợi sau này của sản phẩm và nhấn mạnh đó chính là những khoản tiền khách hàng sẽ tiết kiệm được nếu mua sản phẩm của bạn. Khách hàng sẽ thích mua các sản phẩm được bán theo cách thứ nhất hơn vì họ có thể dễ dàng tính toán được lợi ích trước mắt.
19. Thiếu sự tập trung
Một trong những tài sản quý giá nhất của một doanh nghiệp mới được thành lập là tài năng của người quản lý. Làm sao để có thể làm tốt ngay từ đầu quả là một thử thách to lớn. Hãy vạch ra các cơ hội trước khi bạn quyết định được khu vực thị trường tốt nhất và loại sản phẩm công ty sẽ kinh doanh.
20. Tạo cơ hội cho kẻ trục lợi
Nếu không cẩn thận thì đối tác liên doanh của bạn, người cùng đầu tư vào công ty sẽ là những kẻ trục lợi, chỉ thường xuyên gây khó khăn cho công ty chứ không chú tâm làm việc cho công ty. Vì thế, trước khi lựa chọn đối tác làm ăn, hãy tham khảo ý kiến của luật sư, các chuyên gia tư vấn tài chính và các ngân hàng. Bạn cũng có thể xin lời khuyên từ các giám đốc hàng đầu của các công ty nổi tiếng khác.
Nhìn chung, làm việc gì chúng ta cũng có thể phạm phải sai lầm không đáng có, nếu có sự suy nghĩ, lên kế hoạch kỹ càng trước khi hành động sẽ giảm thiểu các hậu quả do những sai lầm trong kinh doanh gây ra. Hãy là nhà kinh doanh sáng suốt nhé!