Mua hàng trực tuyến an toàn
Hướng dẫn mua hàng trực tuyến an toàn
Mua hàng qua mạng có nhiều tiện ích và ưu việt hơn hình thức mua sắm truyền thống. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của mình khi tham gia mua sắm trực truyến, người tiêu dùng cần đọc kỹ hướng dẫn sau:
1. Chỉ mua hàng trên những website hợp pháp
- Kiểm tra tính xác thực và hợp pháp của website TMĐT thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT thuộc Bộ Công Thương tại địa chỉ: online(.)gov(.)vn
- Với các website TMĐT có gắn biểu tượng “Đã đăng ký với Bộ Công Thương”, kiểm tra bằng cách nhấn vào đó, để được dẫn về thông tin đăng ký của website tại online(.)gov(.)vn
2. Kiểm tra thông tin về người bán và sản phẩm
- Kiểm tra thông tin về người bán như: tên doanh nghiệp hoặc thương nhân, thông tin đăng ký kinh doanh, địa chỉ trụ sở giao dịch, thông tin liên hệ, số điện thoại cố định, đường dây nóng, email, các tài khoản hỗ trợ trực tuyến
- Có thể gọi điện hoặc kiểm tra chéo các thông tin này thông qua website của các cơ quan thuế, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
- Thông tin sản phẩm được bày bán phải được công bố chi tiết, đầy đủ, rõ ràng.
3. Kiểm tra độ uy tín của người bán trên môi trường trực tuyến
Tham khảo ý kiến của bạn bè, người thân về độ uy tín của người bán.
- Tìm kiếm thông tin liên quan tới người bán bằng các công cụ tìm kiếm với các từ khóa như: “công ty X”, “lừa đảo”, “bán hàng giả”…
- Đọc các đánh giá (review) của khách hàng - những người đã từng mua hàng trên website đó để có thêm thông tin về người bán. Đặc biệt kiểm tra kỹ với những trường hợp giá bán rẻ hơn nhiều so với giá chung của thị trường
- Có thể tra cứu mức độ uy tín của website thông qua các tổ chức đánh giá tín nhiệm.
4. Đọc kỹ các điều khoản, quy định và chính sách bán hàng
- Đọc kỹ các điều khoản liên quan tới bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng; các điều khoản giao dịch như phương thức thanh toán, giao hàng, chính sách đổi trả hàng, điều kiện hoàn tiền, phí vận chuyển, bảo hành và các dịch vụ sau bán hàng…
5. Đảm bảo các thiết bị sử dụng là an toàn
- Tiến hành giao dịch trên máy tính hoặc thiết bị di động an toàn, bảo mật. Nếu sử dụng mạng không dây, nên kiểm tra việc mã hóa đường truyền để đảm bảo bên thứ 3 không thể thu thập trái phép dữ liệu của bạn
- Trường hợp sử dụng máy tính lạ (nơi công cộng, máy dùng chung...), cần đăng xuất (log out) khỏi tài khoản sau khi sử dụng; xóa lịch sử duyệt web, cookie, cache...
6. Lựa chọn phương thức thanh toán an toàn
- Với những giao dịch lần đầu hoặc giao dịch có giá trị lớn, hạn chế chuyển hết tiền cho người bán trước khi nhận hàng
- Khi tiến hành thanh toán trực tuyến, cần chắc chắn người bán đang cung cấp một kênh giao dịch mã hóa an toàn với biểu tượng “https://” trên thanh địa chỉ của trình duyệt web (giao thức SSL).
7. Kiểm tra sao kê tài khoản ngân hàng sau khi giao dịch
- Sử dụng dịch vụ thông báo giao dịch qua tin nhắn điện thoại để nắm được các giao dịch phát sinh bằng tài khoản của mình
- Nên lưu tâm tới việc sử dụng cách thức xác thực thanh toán bằng hai lớp mật khẩu với mật khẩu dùng một lần (one time password).
8. Lưu giữ thông tin giao dịch đầy đủ
- Lưu giữ mã số đơn hàng, số hiệu giao hàng và các chứng từ trong quá trình giao dịch trực tuyến. Những thông tin này có thể được sử dụng làm bằng chứng để giải quyết các tranh chấp (nếu có) trong giao dịch.
9. Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên môi trường trực tuyến
- Thận trọng với các quảng cáo qua email, bài viết hoặc các chia sẻ trên mạng xã hội
- Không tin vào những email đề nghị cung cấp tên tài khoản, mật khẩu, thông tin cá nhân, thông tin tài chính; các email có gửi kèm đường link và đề nghị bạn nhấn vào đường link đó…
10. Tìm hiểu và nắm rõ quyền lợi của mình
- Nên tìm hiểu quyền lợi của mình khi tham gia giao dịch trực tuyến
- Liên hệ Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT: online(.)gov(.)vn hoặc Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam vecom(.)vn để được tư vấn, hướng dẫn.
Các hình thức thanh toán khi mua hàng trực tuyến
Khi ghé thăm một số trang web mua bán, người tiêu dùng tại Việt Nam hiện có thể thực hiện thanh toán bằng nhiều hình thức.
Các phương thức thanh toán đang được áp dụng gồm trả tiền mặt khi giao hàng, chuyển khoản qua ngân hàng, gửi tiền qua bưu điện hoặc chuyển qua hệ thống chuyển tiền quốc tế, thanh toán trực tuyến.
- Thanh toán trực tuyến: Một số website tại Việt Nam đã có hình thức thanh toán trực tuyến giúp cho việc mua hàng và thanh toán đơn giản, tiện lợi
- Thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc ghi nợ quốc tế: Khách háng sở hữu các loại thẻ mang thương hiệu Visa, Master, American Express, JCB có thể thanh toán trực tuyến tại hơn 60 website đã kết nối với cổng thanh toán OnePAY
- Thanh toán bằng thẻ ghi nợ nội địa: nhiều chủ thẻ đa năng của các ngân hàng đã có thể thực hiện thanh toán trực tuyến tại các website đã kết nối với ngân hàng và cổng thanh toán OnePAY
- Thanh toán bằng ví điện tử: Sở hữu ví điện tử của Mobivi, Payoo, VnMart, khách hàng có thể thanh toán trực tuyến trên một số website đã chấp nhận ví điện tử này
- Trả tiền mặt khi giao hàng: Đây vẫn là hình thức thanh toán chủ yếu khi mua hàng qua các trang web vì đảm bảo độ an toàn, khách hàng nhận đúng hàng đã đặt mua thì mới trả tiền
- Chuyển khoản ngân hàng: Thông qua ATM hoặc giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, chủ tài khoản chuyển khoản sang tài khoản của người bán một số tiền trước khi nhận hàng.
Cách thức này chỉ nên thực hiện khi người mua có thể tin cậy ở người bán, thông thường khi hai bên là khách quen trên các website mua sắm hoặc người bán là một đối tác có uy tín. Phương thức này rất hữu ích trong trường hợp người mua và người bán ở cách xa nhau, không thể thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt, nhưng có rủi ro nhất định cho người mua, khi người bán không giao hàng hoặc giao hàng kém phẩm chất so với khi rao bán.
- Gửi tiền qua bưu điện hoặc hệ thống chuyển tiền quốc tế: Trong trường hợp người mua hoặc người bán ở cách xa, lại không có tài khoản ngân hàng thì có thể dùng cách này. Tuy nhiên sẽ tốn một khoản phí chuyển tiền; tùy dịch vụ của từng ngân hàng, mức phí có thể là vài chục nghìn đồng.
Những điều cần chú ý khi mua hàng trực tuyến
Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới và thực trạng tình hình thương mại điện tử trong nước, Cục Quản lý cạnh tranh mong muốn cung cấp một vài lưu ý cho người tiêu dùng tại Việt Nam khi tiến hành các giao dịch mua hàng trực tuyến.
- Lựa chọn đối tác giao dịch
Điều đầu tiên người tiêu dùng cần lưu ý chính là lựa chọn trang thương mại điện tử hoặc lựa chọn tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử “tốt” để giao dịch. Nói chung, doanh nghiệp thương mại điện tử “tốt” thông thương phải đáp ứng được các tiêu chí sau:
1. Bảo đảm tính hợp pháp và toàn vẹn của hàng hóa, dịch vụ được cung cấp;
2. Các hàng hóa, dịch vụ được cung cấp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật và chất lượng theo quy định tương ứng của pháp luật Việt Nam;
3. Không che dấu hoặc cung cấp thông tin gian dối, sai lệch về doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là các yếu tố như giá cả, chất lượng, bảo hành…
4. Bảo đảm cho người tiêu dùng cơ hội lựa chọn với sự đa dạng về giá cả và chất lượng;
5. Cung cấp cho người tiêu dùng một chế độ bảo hành tốt trong đó quy định rõ về sửa chữa, thay thế, trả hàng, hoàn tiền, bồi thường… và các xử lý thích hợp khi có tranh chấp xảy ra.
Để đảm bảo quyền lợi của mình, trước khi thực hiện một giao dịch trực tuyến, người tiêu dùng cần tiến hành các bước kiểm tra thông tin liên quan, cụ thể:
- Xác định uy tín của đối tác giao dịch
Nói chung có nhiều cách để xác định về uy tín của một doanh nghiệp.
1. Đầu tiên, người tiêu dùng nên tìm hiểu trên chính trang web hoặc các tài liệu quảng cáo, giới thiệu của doanh nghiệp. Điều này nghe có vẻ phi lý nhưng thực tế còn rất nhiều cơ chế kiểm soát về thông tin quảng cáo hiện đang tồn tại nên rất nhiều thông tin quảng cáo gian dối (nếu có) đã bị các cơ chế này loại bỏ.
Tiếp theo là bạn có thể sử dụng chính các công cụ tìm kiếm để hỗ trợ. Hãy gõ những thông tin cơ bản của doanh nghiệp kèm theo một số từ khóa khác như “khiếu nại”, “vi phạm”, “gian dối”, “bị xử lý”… bạn sẽ có vô số thông tin để kiểm tra lại về uy tín của doanh nghiệp. Rõ ràng, nếu một doanh nghiệp bị có nhiều ý kiến phàn nàn, khiếu nại từ người tiêu dùng khác thì không thể là doanh nghiệp có uy tín.
2. Yêu cầu đối tác phải cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về doanh nghiệp và hàng hóa
Nếu trong một giao dịch mua sắm trực tuyến, doanh nghiệp chỉ cung cấp duy nhất cho bạn số điện thoại liên hệ và từ chối hoặc không cung cấp các thông tin khác như địa chỉ trụ sở, địa điểm giao dịch, số fax, địa chỉ email… hãy nghi ngờ về đối tác này. Không có doanh nghiệp nào làm ăn chân chính mà lại cố gắng che dấu, lẩn trốn người tiêu dùng như vậy.
3. Yêu cầu đối tác phải cung cấp thông tin rõ ràng cho bạn về các vấn đề phát sinh và cách xử lý khi tiến hành giao dịch, đặc biệt là các vấn đề như bảo hành, trả hàng, hoàn tiền…
4. Yêu cầu đối tác phải cho bạn thấy đã xây dựng và áp dụng một cơ chế bảo đảm thông tin cá nhân cho người tiêu dùng. Điều này là rất quan trọng vì nếu bạn mất thông tin cá nhân do cơ chế bảo mật lỏng lẻo của doanh nghiệp, bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ như mất tiền, bị lừa đảo, bị bôi nhọ về nhân thân, bị tấn công vào các thiết bị cá nhân…
- Hiểu rõ về hàng hóa, dịch vụ và giao dịch
Trước khi mua, cần hiểu rõ về hàng hóa, dịch vụ và giao dịch, đặc biệt là phải đọc và hiểu rõ về các điều kiện và điều khoản để thực sự hiểu được bạn đang mua một hàng hóa, dịch vụ mà tại đó không có sự giấu giếm thông tin về giá cả, chất lượng hay kèm theo những sự hạn chế nào đó.
Một thực tế hiện nay là rất nhiều người tiêu dùng “ngại” đọc và tìm hiểu mà chỉ đơn giản lựa chọn click “OK”, “Yes”, “Next” hoặc bấm nút chấp nhận giao dịch mà không thực sự hiểu các điều khoản, điều kiện kèm theo. Điều này rất dễ dàng đưa đến những rủi ro trong tương lai mà người tiêu dùng không thể lường trước được.
Một lời khuyên của hầu hết các chuyên gia mua sắm trực tuyến và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng là hãy làm rõ bất cứ điều gì người mua muốn về dịch vụ sản phẩm trước khi mua. Đó có phải là sản phẩm có nhãn hiệu nổi tiếng, có dịch vụ được chứng nhận bởi các tổ chức ngành nghề không? Dịch vụ giao nhận hàng hóa như thế nào, phương thức giải quyết ra sao nếu sản phẩm bị thất lạc, bên bán có nhận trả lại hàng hóa không, trong thời gian bao lâu, có mất phí đóng gói khi trả lại sản phẩm không, dịch vụ sửa chữa, bảo hành như thế nào... và lưu những thông tin này lại.
- Bảo đảm thiết bị bạn đang giao dịch là an toàn
Có rất nhiều người tiêu dùng bị lừa đảo khi mua bán hoặc mất thông tin cá nhân do sự không an toàn trên chính thiết bị giao dịch của mình. Vì vậy, trước khi giao dịch (đặc biệt là trước khi nhập những thông tin cá nhân) hãy chắc chắn rằng máy tính, máy tính bảng hay điện thoại của bạn an toàn khi đã được cài đặt hoặc cập nhật các phần mềm diệt virus và các biện pháp bảo đảm an ninh khác.
- Kiểm tra và so sánh
Nếu bạn nghi ngờ hoặc phân vân về bất kỳ điều gì, đừng ngại ngần kiểm tra và so sánh. Nếu bạn nghi ngờ giá hàng hóa là quá cao hoặc chương trình khuyến mại là gian dối về giá cả, hãy gõ tên sản phẩm kèm theo các từ khóa vào công cụ tìm kiếm, sẽ rất dễ dàng để bạn có các thông tin so sánh về giá cả và chương trình khuyến mại từ các nhà cung cấp sản phẩm khác hoặc tương tự.
Bạn phải lưu ý là nhà cung cấp bao giờ cũng cố gắng làm nổi bật những ưu điểm của hàng hóa, dịch vụ và giao dịch mà sẽ cố gắng (hoặc cố tình) không đề cập đến những thông tin không có lợi. Ví dụ như sẽ nhấn mạnh yếu tố về giá mà “lờ” đi sự hạn chế trong điều kiện bảo hành hoặc chế độ trả hàng – hoàn tiền… Vì vậy, nếu nghi ngờ bất kỳ điều gì hãy kiểm tra.
- Thận trọng khi thanh toán
Giai đoạn quan trọng trong giao dịch trực tuyến là thanh toán. Lưu ý là bạn đang mua hàng trực tuyến nên trong nhiều trường hợp thanh toán cũng trực tuyến. Nếu bạn đã đồng ý chuyển tiền khỏi tài khoản của mình thì việc rút lại sẽ là rất khó khăn, vì vậy, hãy thận trọng.
Đầu tiên, hãy kiểm tra lại một lần nữa về tính an toàn và bảo mật của website bạn đang giao dịch. Động tác đơn giản nhất chính là xem lại ngay tên của website, một số dấu hiệu lạ trên tên website sẽ cho bạn thấy sự mất an toàn. Một cách khác là nhìn ngay trên website, nếu website được chứng nhận hoặc công nhận bởi logo của một số tổ chức có uy tín, rõ ràng sẽ là một điểm cộng cho sự an toàn. Ngoài ra, nếu bạn là người thạo về công nghệ thông tin, một số kiểm tra chuyên sâu khác nên được thực hiện.
Điều tiếp theo là bạn phải chắc chắn rằng website có cơ chế cho bạn kiểm tra và giám sát về giao dịch. Kể cả khi bạn đang thao tác hoặc khi bạn đã chấp nhận thanh toán, bạn có quyền biết tình trạng hiện tại của giao dịch là thế nào, khi nào đối tác nhận được tiền, khi nào bạn nhận được hàng…
Một điều nữa người tiêu dùng cần lưu ý là nếu quá trình thanh toán có sự tham gia của các bên thứ ba (như nhà cung cấp dịch vụ thẻ, ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông…), hãy lựa chọn những đối tác có uy tín để bảo đảm có thêm cơ chế giám sát và bảo đảm an toàn cho giao dịch (ví dụ: một số nhà cung cấp dịch vụ thẻ hoặc ngân hàng sẽ có một độ trễ hoặc một cơ chế kiểm tra chéo đối với các giao dịch chuyển tiền).
Cuối cùng, nếu người bán yêu cầu bạn cung cấp mã pin, mật khẩu ngân hàng hoặc các thông tin cá nhân khác không liên quan đến giao dịch, hãy lập tức ngừng giao dịch và kiểm tra. Người bán chỉ cần nhận được đúng số tiền bạn trả cho việc mua hàng hóa dịch vụ. Việc yêu cầu mã pin, mật khẩu ngân hàng hoặc các thông tin nhạy cảm khác là dấu hiệu rất rõ ràng cho những hành vi ăn cắp, lừa đảo.
- Lưu giữ bằng chứng giao dịch
Giữ lại bản copy của tất cả các loại giấy tờ, bao gồm bản ghi điện tử của việc chào hàng, tài liệu quảng cáo, hợp đồng, email, hóa đơn chứng từ và tất cả các tài liệu khác ghi nhận lại giao dịch giữ bạn và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trong trường hợp tài liệu không thể lưu giữ dưới dạng bản cứng, hãy lưu bản mềm hoặc bản chụp các bằng chứng giao dịch. Các tài liệu này sẽ là bằng chứng, chứng cứ để bảo đảm quyền lợi cũng như để giải quyết các tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh sau này.
- Khiếu nại và xử lý khiếu nại
Nếu bạn hoàn toàn hài lòng về hàng hóa, dịch đã mua, xin chúc mừng bạn. Nhưng nếu bạn không hài lòng về bất cứ vấn đề gì, hãy lưu ý là bạn có quyền được khiếu nại và được giải quyết khiếu nại.
Nếu xảy ra vấn đề gì, trước hết hãy liên hệ với nhà cung cấp và nói cho họ biết bạn muốn giải quyết nó như thế nào. Kinh nghiệm cho thấy, trên 50% các khiếu nại từ người tiêu dùng là được giải quyết thông qua các phương thức trực tiếp giữa người bán và người mua. Mục khiếu nại trực tuyến, email hoặc điện thoại sẽ là các công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho bạn.
Nếu thanh toán bằng thẻ tín dụng và bạn không nhận được sản phẩm hoặc dịch vụ, hãy liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ trong việc kiểm tra và thực hiện các nghiệp vụ cần thiết để bảo vệ tiền của bạn.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng tại Việt Nam đã và đang tồn tại nhiều cơ chế khác nhau để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dù bạn thực hiện mua sắm trực tuyến hay mua sắm thông thường. Nếu cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm trong quá trình mua hàng trực tuyến, hãy đừng ngần ngại liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn.
Mua hàng trực tuyến an toàn ở đâu?
Mua hàng trực tuyến tại MuaBanNhanh.com. Xem ngay: Mua hàng trực tuyến an toàn
Nguồn: http://camnangmuabannhanh.com/mua-hang-truc-tuyen-an-toan/341